Thời kỳ mãn kinh thường rơi vào độ tuổi 45 – 55, đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Nói cách khác, khi nào bạn ngừng có kinh nguyệt, đó là lúc bạn chính thức mãn kinh.
TIỀN MÃN KINH: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
Thời kỳ mãn kinh thường rơi vào độ tuổi 45 – 55, đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Nói cách khác, khi nào bạn ngừng có kinh nguyệt, đó là lúc bạn chính thức mãn kinh.
Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Người ta còn gọi đây là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Tùy theo cơ địa mỗi người, thời kỳ này có thể diễn ra vào các lứa tuổi khác nhau. Đồng thời, mỗi người cũng sẽ có những triệu chứng không giống nhau.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh trước khi mãn kinh từ 8 – 10 năm, tức là ở độ tuổi 37 – 45. Đây là giai đoạn hoạt động của hệ trục vàng Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm, không sản xuất đủ bộ ba nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone, testosterone để đáp ứng mọi hoạt động của cơ thể. Vì thế, người phụ nữ phải đối mặt với những xáo trộn về tâm sinh lý, sức khỏe và cả sắc đẹp: nguy cơ loãng xương, rối loạn tim mạch, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, dễ bị kích thích tâm lý nên hay nóng giận, chán nản, thiếu tập trung trong công việc, nóng bừng mặt, đổ mồ hôi nhất là vào ban đêm, mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp, lo âu…
Trong giai đoạn cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ngày càng ít estrogen hơn. Giai đoạn này kéo dài ít nhất là vài tháng và lâu nhất là 4 năm.
Thời kỳ mãn kinh chính thức bắt đầu khi buồng trứng sản xuất quá ít estrogen, đến mức trứng không được phóng thích nữa. Khi đó, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng lại.
1. Rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt thất thường, có tháng đến sớm, có tháng đến muộn, đôi khi 2 – 3 tháng mới có kinh một lần là do việc phóng thích trứng (dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt) của buồng trứng gặp trục trặc. Tuy nhiên, một số bệnh ung thư phụ khoa cũng gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Do đó, chị em phụ nữ cần lưu ý, nếu kinh nguyệt thất thường từ 3 tháng trở lên phải lập tức đi khám sức khỏe phụ khoa.
2. Khó thụ thai
Bên cạnh hệ quả rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng gặp trục trặc khi phóng thích trứng sẽ khiến việc có thai tự nhiên của phụ nữ ở độ tuổi này gặp khó khăn. Có nhiều trường hợp phụ nữ độ tuổi này muốn có con phải nhờ đến sự can thiệp của y học.
3. Bốc hỏa
Cảm giác nóng bừng từ ngực lên vai, cổ và mặt, thường kéo dài trong khoảng 2 – 3 phút hoặc lâu hơn là biểu hiện hay gặp của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Mỗi ngày, bạn có thể bị triệu chứng khó chịu này “ghé thăm” nhiều lần, đặc biệt trong lúc ngủ.
4. Thay đổi tính tình
Một triệu chứng thường gặp khác là chị em rất dễ nóng giận, đôi lúc trở nên nhạy cảm quá mức, hay lo âu, buồn phiền. Nếu họ không được giải tỏa, trầm cảm là hệ quả tất yếu.
5. Dễ tăng cân
Tuổi tác càng cao thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể càng chậm lại. Trong khi đó, triệu chứng căng thẳng, lo lắng, mất ngủ thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh sẽ tạo điều kiện cho sự tích tụ của các tế bào mỡ trắng. Kết quả là bạn dễ tăng cân, đặc biệt là sự mất cân đối về vóc dáng khi mỡ trắng thường tập trung ở vùng eo, bụng, đùi, bắp tay.
6. Đau nhức
Sự thay đổi nồng độ hormone khi phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xương khớp, tức ngực.
7. Thay đổi mức cholesterol
Hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng suy giảm dẫn đến sự sụt giảm nội tiết tố trong cơ thể kéo theo những thay đổi bất lợi về mức cholesterol trong máu, bao gồm cả sự gia tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) – cholesterol xấu và sụt giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) – cholesterol tốt. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ.
8. Khô âm đạo
Âm đạo giảm lượng dịch tiết và độ đàn hồi khiến bạn cảm thấy khó chịu, đau rát vùng kín, đau khi quan hệ tình dục. Đó là lý do nhiều chị em phụ nữ không còn hứng thú với chuyện chăn gối khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.
9. Mật độ xương giảm
Nếu mức độ estrogen sụt giảm trầm trọng, bạn sẽ có nguy cơ bị hao hụt canxi nhanh hơn so với những phụ nữ khác, khiến cho xương bị xốp, yếu đi, giòn và dễ gãy. Đây là căn nguyên gây ra bệnh loãng xương, thoái hóa khớp… Để khắc phục, bạn cần bổ sung nhiều canxi và vitamin D trong chế độ ăn, đồng thời tập luyện đều đặn mỗi ngày. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc bổ sung canxi nhằm bù đắp cho cơ thể lượng canxi đã mất.
10. Rối loạn giấc ngủ
Những thay đổi về nội tiết tố cùng với tình trạng đổ mồ hôi ban đêm có thể phá hỏng giấc ngủ ngon của bạn. Hãy cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ bằng cách thiết lập thói quen ngủ đúng giờ, ngủ trước 23h, không ngủ trưa quá nhiều (tối đa 30 phút), không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ 2 giờ. Nếu tình trạng vẫn không cải thiện mà có chiều hướng nghiêm trọng hơn, bạn cần nói chuyện với bác sĩ để tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả.
11. Ra máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt
Nếu đột nhiên, bạn ra máu nhiều hơn đáng kể so với những kỳ kinh nguyệt trước, rất có thể bạn đã bị rối loạn tiền kinh nguyệt. Nhưng chưa dừng lại ở đó, sự sụt giảm hormone progesterone còn gây ra một số vấn đề khác, chẳng hạn như u xơ tử cung.
12. Suy giảm trí nhớ
Những thay đổi trong nội tiết tố cùng với các triệu chứng tiền mãn kinh khác (như thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ), có thể khiến trí nhớ của bạn suy giảm. May mắn là chứng mau quên sẽ được khắc phục khi bạn bước sang tuổi mãn kinh.